Gần đây, số ca mắc Sốt xuất huyết vẫn tiếp tục được ghi nhận nhiều tại khu vực Miền Bắc nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng.
1. Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue
Tác nhân dẫn đến sốt xuất huyết là Virus Dengue với 4 type: DEN-1, DEN-2, DEN-3, và DEN-4. Người mắc sốt xuất huyết có thể bị mắc bệnh nhiều lần với các chủng khác nhau hoặc cùng một chủng.
Virus sốt xuất huyết có dạng hình cầu, có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím hoặc nhiệt độ từ 60 độ C trở lên trong thời gian 30 phút và 40độ C trong vài giờ. Vật chủ trung gian lan truyền virus sốt xuất huyết là muỗi Vằn có tên khoa học là Aedes Aegypti. Loài muỗi này sinh sôi, phát triển nhanh ở những khu vực có môi trường vệ sinh kém, nước đọng, ẩm thấp, bụi rậm,… và bùng phát mạnh vào mùa mưa.
Chính vì vậy mà việc tiêu diệt muỗi, phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh môi trường sạch, khô thoáng,… là biện pháp tốt nhất để hạn chế nguy cơ sốt xuất huyết trở thành dịch.
2. Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và biến chứng nguy hiểm
Những triệu chứng của sốt xuất huyết rất đa dạng theo các giai đoạn khác nhau. Thời gian đầu, bệnh có những biểu hiện không rõ ràng nên dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, nguy cơ biến chứng có thể xảy ra và tệ nhất là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn có thể nhận biết sốt xuất huyết thông qua một số đặc điểm sau:
- Sốt cao trên 39 độ C liên tục 2 - 3 ngày hoặc dài hơn. Đồng thời, việc uống thuốc hạ sốt không có tác dụng.
- Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, chán ăn.
- Đau đầu và hốc mắt, các khớp khiến toàn thân rã rời, uể oải.
- Nổi mẩn đỏ, phát ban trên da từ nhẹ đến nặng, gây ngứa ngáy.
- Chảy máu ở nhiều vị trí như chảy máu mũi, chân răng, nướu lợi, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, đi phân máu hoặc phân đen,…
Những biểu hiện trên là các triệu chứng điển hình mà hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp phải. Ngoài ra cũng có những bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng nào và có thể tự khỏi. Nhưng cũng có trường hợp bệnh diễn biến âm thầm sau đó đột ngột biến chứng nặng.
Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và an toàn.
3. Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết
Chẩn đoán sớm và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi cũng như hạn chế được nguy cơ biến chứng xảy ra.
Chẩn đoán
Hiện nay, thông qua các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau để chẩn đoán sốt xuất huyết:
- Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 được thực hiện ở khoảng 3 ngày đầu khi có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết.
- Xét nghiệm IgM được chỉ định sau khi bệnh nhân có biểu hiện sốt từ 3 - 5 ngày kể từ khi nhiễm virus. Khi virus tấn công cơ thể, kháng thể IgM được tạo ra để tiêu diệt mầm bệnh. Kháng thể này sẽ biến mất sau một thời gian khỏi bệnh.
- Xét nghiệm IgG nhằm mục đích kiểm tra bệnh nhân trước đó đã từng bị hay chưa. Sau 7 ngày mắc bệnh, kháng thể IgG sẽ được sinh ra trong cơ thể và tồn tại suốt đời. Đối với các trường hợp bị mắc lại sốt xuất huyết thì IgG là kháng thể tăng cao sớm nhất, các xét nghiệm khác sẽ xuất hiện muộn hơn nên nếu chỉ có IgG Dương tính ở những ngày đầu mắc bệnh thì bác sĩ và bệnh nhân cũng không được chủ quan mà cần phải theo dõi sát hoặc xét nghiệm lại NS1, IgM sau một vài ngày hoặc làm thêm xét nghiệm PCR để xác định bệnh
-
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm bao gồm tổng phân tích tế bào máu, CRP, Albumin, điện giải đồ, chức năng gan, thận,… để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó lên phương án điều trị thích hợp.
Điều trị
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, các biện pháp được bác sĩ chỉ định nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và kiểm soát bệnh, tránh tình trạng chuyển hướng nặng.
- Nếu người bệnh bị sốt dưới 38,5 độ C, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân hạ sốt bằng phương pháp vật lý bao gồm: Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, chườm khăn ấm vào trán, nách và bẹn.
- Nếu bệnh nhân sốt từ 38,5 độ C trở lên thì được chỉ định dùng thuốc hạ sốt Paracetamol kết hợp chườm ấm. mỗi liều cách nhau 4 - 6 giờ.
- Uống nhiều nước và bù điện giải bằng hydrite và oresol. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân nên uống nước lọc hoặc các loại nước trái cây (dừa, cam,...), sữa, súp, cháo loãng để cung cấp nước cho cơ thể. Nếu người bệnh mất nước mức độ vừa và nặng, nôn nhiều không tự uống được thì cần truyền dung dịch Nacl 0,9%.
-
Ngoài ra, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, tránh việc đi lại nhiều, không ăn thức ăn có màu đỏ, nâu hoặc đen. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của bệnh để kịp thời báo với bác sĩ khi có bất thường.
Với mỗi triệu chứng của sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh. Chính vì vậy mà khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.