Thủy đậu là bệnh lây nhiễm nhanh và thời gian phát bệnh khá dài, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của người mắc. Muốn phòng ngừa hiệu quả, bạn cần nắm được thủy đậu lây qua đường nào? Loại bỏ con đường lây nhiễm là cách bảo vệ bản thân và gia đình tốt nhất khỏi virus gây bệnh.
1. Thủy đậu lây qua đường nào?
Thủy đậu do 1 loại virus herpes gây bệnh, chúng gây bệnh ở cả trẻ em và người lớn, những người chưa có khả năng miễn dịch với virus này. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, thủy đậu thường nguy hiểm hơn, diễn tiến kéo dài và nguy cơ biến chứng nặng. Giống như nhiều bệnh do virus khác, thủy đậu cũng rất dễ lây lan từ người bệnh qua người lành.
Thủy đậu do virus herpes nên rất dễ lây nhiễm
Vậy thủy đậu lây qua đường nào? Những con đường lây lan căn bệnh này bao gồm:
1.1. Đường hô hấp (dịch tiết mũi họng của người bệnh)
Virus thủy đậu có trong nước bọt của người mắc bệnh. Khi những người này ho, nói chuyện hoặc hắt hơi, virus có trong nước bọt có thể bắn ra ngoài không khí. Nếu người lành hít phải sẽ bị nhiễm virus.
1.2. Lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp
Đây là con đường lây truyền bệnh thủy đậu nhanh nhất, khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn nước hoặc vùng da nhiễm virus của người bệnh. Virus từ những nốt mụn này lây sang người lành và gây bệnh.
1.3. Lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp
Không phải trực tiếp chạm vào nguồn bệnh song virus thủy đậu có thể tồn tại trong tự nhiên trong thời gian khá lâu. Nếu người bệnh vô tình chạm tay hay sử dụng vật dụng, khiến virus bám trên đó và người lành tiếp xúc sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Các vật dụng dễ truyền virus gồm: khăn mặt, chăn màn, gối, giường chiếu,…
Virus thủy đậu có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc, lây nhiễm virus thủy đậu cũng gây khởi phát bệnh. Nếu người lành chưa có khả năng miễn dịch (có thể là miễn dịch tự nhiên do nhiễm thủy đậu trước đó hoặc miễn dịch nhờ vắc xin), virus thủy đậu xâm nhập vào miệng hầu, đường hô hấp trên. Dần dần virus nhân lên với số lượng lớn, chúng sẽ dần lan tràn đến da và niêm mạc làm khởi phát bệnh.
Cơ chế gây mụn nước của virus Herpes nói chung và virus thủy đậu nói chung như sau:
-
Virus xâm nhập vào lớp tế bào đáy, lớp gai.
-
Virus nhân lên hình thành các hốc nhỏ, gây thoái hóa tế bào biểu mô.
-
Các tế bào này tích tụ dịch phù, sau đó thoái hóa thành mụn nước cùng các dịch nhân mụn.
Ngoài gây hình thành mụn nước khắp cơ thể, thủy đậu còn gây nhiều triệu chứng đặc trưng theo từng giai đoạn bệnh. Xem xét triệu chứng giúp bệnh nhân và người thân nắm bắt được giai đoạn lây nhiễm bệnh hay giai đoạn an toàn không lây nhiễm.
2. Bệnh thủy đậu lây nhiễm ở giai đoạn nào?
Bệnh thủy đậu tiến triển theo nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn toàn phát là lúc bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhất. Thời gian tiến triển bệnh theo từng giai đoạn ở mỗi người là khác nhau tùy theo khả năng miễn dịch và chăm sóc, điều trị. Thông thường cơ thể người bệnh sẽ phơi nhiễm thủy đậu từ 10 - 21 ngày.
Giai đoạn toàn phát là khi virus thủy đậu dễ lây truyền nhất
Mặc dù giai đoạn toàn phát là dễ lây nhiễm nhất nhưng nếu không chăm sóc tốt, bệnh có thể tái nặng và khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Triệu chứng nhận biết của từng giai đoạn bệnh như sau:
2.1. Thủy đậu giai đoạn ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh là thời gian virus sau lây nhiễm phát triển, nhân lên với số lượng lớn và gây bệnh. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10 - 21 ngày, thông thường từ 14 - 16 ngày.
Triệu chứng ở giai đoạn này khá nhẹ nhàng, nhiều trường hợp không thể phát hiện, thường chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi. Một số trường hợp bị nổi hạch sau tai do virus cư trú trong hạch thần kinh, viêm họng,… Hầu hết người bệnh nhầm lẫn bản thân bị cảm cúm thông thường dẫn đến điều trị sai, bệnh càng tiến triển nặng và nguy hiểm hơn.
Vì thế nếu nghi ngờ từng tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu, chưa có miễn dịch hoặc trong mùa dịch thủy đậu, khi xuất hiện những dấu hiệu này không nên chủ quan.
2.2. Thủy đậu giai đoạn toàn phát
Triệu chứng bệnh thủy đậu giai đoạn toàn phát rõ ràng, thường bắt đầu sau 2 - 3 ngày kể từ khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên. Người bệnh bị sốt nhẹ (sốt cao nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch), đau cơ, đau đầu, nôn ói, chán ăn. Đặc biệt dấu hiệu phát ban đỏ ngày càng nhiều, tồn tại trên da khoảng 24 giờ và dần chuyển thành mụn nước hình tròn nhỏ, chứa nhiều dịch bên trong.
Khu vực mụn nước dễ xuất hiện nhất là mặt, thân mình, nách, bên sườn,… và nền da của mụn nước có màu hồng. Hai giai đoạn trên là thời kỳ bệnh dễ lây nhiễm nhất.
Vào giai đoạn hồi phục, mụn nước khi “chín” căng mọng nước dịch màu vàng nhạt, sau đó dần lõm xuống thành mụn mủ màu trắng mịn. Đến khi vảy xuất hiện, khô và tự rụng (sau 1 - 2 tuần) thì bệnh ở giai đoạn hồi phục và khỏi. Tuy nhiên nếu chăm sóc không tốt hoặc do cơ địa, những nốt mụn thủy đậu này dù khỏi nhưng vẫn để lại sẹo.
Chỉ khi mụn nước khô lại, virus trong đây mới bị tiêu diệt hoàn toàn và nghĩa là người bệnh không có khả năng gây lây nhiễm nữa. Thời gian diễn tiến bệnh thủy đậu có thể kéo dài lâu hơn do hệ miễn dịch kém, nhất là ở trẻ nhỏ. Vì thế ngay khi xuất hiện dấu hiệu bệnh, cần sớm đưa trẻ đi thăm khám và điều trị, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
3. Cách phòng ngừa thủy đậu hiệu quả nhất
Dù ở trẻ em hay người trưởng thành, người có sức khỏe tốt hay người bị suy giảm miễn dịch thì tiêm phòng vắc xin vẫn là cách phòng ngừa thủy đậu chủ động, hiệu quả nhất. Vắc xin thủy đậu đã được triển khai phổ biến tại Việt Nam và trên toàn thế giới, được khuyến cáo tiêm phòng cho mọi trẻ em và người lớn để tăng cường khả năng miễn dịch.
Người bệnh thủy đậu thường bị sốt và cần cách ly để tránh lây lan
Ngoài ra, nếu mắc bệnh, người bệnh và người chăm sóc cần được cách ly, tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân. Nhất là thời kỳ lây lan mạnh người bệnh cần cách ly vừa giúp bảo vệ sức khỏe mọi người, vừa giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Biết thủy đậu lây qua đường nào bạn sẽ chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Chúc bạn và gia đình sức khỏe.