Thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2024 – 2025, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh, sáng ngày 27/11/2024, trường Tiểu học Lê Qúy Đôn đã tổ chức cho 276 em học sinh khối 3 đi tham quan học tập tại di tích lịch sử đình Tình Quang và đình Trường Lâm quận Long Biên.
Đây là chương trình học tập ngoại khoá của nhà trường cho học sinh thông qua việc tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn Quận và giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh năm học 2024 - 2025. Đúng 7h30, đoàn tham quan xuất phát đến địa điểm đầu tiên – đình Tình Quang. Theo hướng dẫn của tiểu ban quản lý di tích, học sinh xếp hàng vào khu di tích trật tự, chăm chú lắng nghe, ghi chép nội dung, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan di tích. Sau khi làm lễ dâng hương, các em được nghe giới thiệu về truyền thống hình thành và phát triển của ngôi đình. Đình Tình Quang thuộc phường Giang Biên – Quận Long Biên – Hà Nội. Đình Tình Quang được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vào ngày 11– 5 – 1993. Đình thờ ba vị thượng, trung đẳng thần là: Lý Bí, Lý Chiêu Hoàng, Đinh Điền. Lý Bí: Năm 544, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ông lên ngôi hoàng đế, đặt nước ta ngang hàng với nước Trung Quốc, lập ra nước Vạn Xuân. Lý Chiêu Hoàng: Bà là nữ hoàng đế đầu tiên của nước ta. Bà lên ngôi lúc còn rất nhỏ (khoảng 6, 7 tuổi). Bà là vị vua thứ 9 và cũng là vị vua cuối cùng của triều Hậu Lý. Tướng Đinh Điền: Năm 965, ông cùng Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân giành được thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, chặn đứng ý đồ xâm lược của phương Bắc lúc bấy giờ (Trung Quốc ngày nay). Hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch, hội chính vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch, suy tôn Thành Hoàng làng Tình Quang.
Điểm dừng chân tiếp theo của thầy trò nhà trường là đình Trường Lâm Đây là một di tích có cảnh quan rộng rãi, quy mô bề thế và là một trong những ngôi đình lớn của quận Long Biên. Trường Lâm là một trong những địa danh cổ của Hà Nội, dưới thời Lý có tên gọi là Lâm Ấp, thời Lê là Hoa Lâm, đến năm 1841 được đổi tên là Trường Lâm. Trước năm 1945, Trường Lâm thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1954, Trường Lâm thuộc quận 8, Hà Nội. Từ năm 1963 đến hết năm 2003 thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm. Từ năm 2004 đến nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Đình Trường Lâm thờ 3 vị Thành hoàng làng là Đức Thánh Linh Lang thời Lý ở vị trí quan trọng nhất và các tiết lễ chính của làng đều tưởng vọng Ngài. Hai vị khác là Đào Hoa công chúa còn gọi là Thiên Tiên Đào Anh phu nhân và Phù Nàng công chúa. Đức Thánh Linh Lang được thờ phụng tại rất nhiều di tích khác nên huyền tích về Ngài có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống đã được đông đảo nhân dân biết đến. Còn huyền tích về 2 bà Đào Hoa và Phù Nàng hiện chưa tìm được sách sử nào ghi chép, nhưng theo sắc phong và truyền thuyết dân gian của đình làng Trường Lâm thì 2 bà là nhân thần được dân làng thờ phụng từ khi lập làng, là người dạy dân nghề ca hát, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chống ngoại xâm.
Sau chuyến tham quan ngoại khóa, các em có thêm hiểu biết về di tích lịch sử trên quê hương mình, từ đó giáo dục các em ý thức giữ gìn và bảo vệ các di tích lịch sử, giữ gìn truyền thống dân tộc, cố gắng học tập tốt, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU:
Các em được nghe giới thiệu về di tích đình Tình Quang và
đình Trường Lâm
Cô trò chụp ảnh lưu niệm tại đình đình Tình Quang
Cô trò chụp ảnh lưu niệm tại đình đình Trường Lâm